Giữ gìn giá trị đặc sắc của tuồng cung đình Huế
24/05/2022 2:03:38 CH
Xem cỡ chữ:
Đọc bài viết:
Tuồng cung đình Huế là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, trong đó có đủ cả thơ, ca, nhạc, họa và diễn xuất. Từ chốn cung đình triều Nguyễn, tuồng cung đình Huế đã lan tỏa và ít nhiều ảnh hưởng đến sân khấu tuồng cả nước với những nghệ nhân nổi tiếng đi theo cách mạng, mang nghệ thuật phục vụ nhân dân. Sau những thăng trầm của lịch sử, tuồng cung đình Huế đã được phục hồi, phát huy, nhưng phía trước vẫn còn nhiều trở ngại.
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn tuồng cung đình thuộc Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn tuồng cung đình thuộc Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế

Từ chốn cung đình đến với nhân dân

Một số nghệ sĩ tuồng nổi tiếng từ Liên khu 5 theo cách mạng, tập kết ra bắc cuối năm 1954, trong đó có một số nghệ nhân tuồng cung đình Huế như Ngô Thị Liễu, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Tri... Các cụ bảo, là khán giả được xem tuồng cung đình Huế; là nghệ sĩ được biểu diễn ở Nhà hát Cung đình Huế là một điều may mắn.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo), là người phụ trách đội tuồng cung đình Huế dưới triều Vua Bảo Đại. Ông Nho Túy đi theo cách mạng và trở thành nghệ sĩ đầu tiên là đại biểu Quốc hội. NSND Nguyễn Nho Túy cho biết: Diễn xuất tuồng trong chốn cung đình có những quy định hết sức khắt khe. Nếu ở sân đình, hoặc ở rạp hát nhân dân, diễn viên tuồng chỉ chịu “hình phạt" của các tay cầm chầu thì khi biểu diễn trên sân khấu cung đình, họ phải chịu "hình phạt” có khi bằng cả tính mạng nếu sơ suất phạm thượng. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật tuồng cung đình Huế phải thật chỉn chu, điêu luyện, nói cách khác là phải thật chuyên nghiệp, từ kịch bản đến nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ.

NSND Nguyễn Nho Túy kể: Có lần ông vào vai diễn Kim Lân (tuồng Sơn Hậu) cho vua và các quan trong triều đình nhà Nguyễn xem. Quan Bộ Lễ bảo ông rằng, khi đi qua mặt vua thì không được làm động tác giơ cao chân, nếu vi phạm phải chịu đứt đầu. Nghệ sĩ rất lo mất mạng, nhưng làm thế nào không giơ chân, múa tay được, khi diễn tuồng cổ, nhất là vai tuồng có động tác đi ngựa, vượt đèo... Cuối cùng ông xác định, để bảo toàn tính mạng thì phải bỏ động tác giơ chân trước mặt vua. Nhưng khi vào cuộc và nhập vai diễn, ông quên mình đang diễn trước mặt vua, quan. Ông diễn một cách say sưa, xuất thần, trong đó có những động tác đi ngựa giơ chân thoải mái trước mặt vua. Tuy nhiên, với tài năng biểu diễn quá xuất sắc và cuốn hút của ông, cả vua lẫn quan khi đó chẳng ai để ý đến việc nghệ sĩ đang có những động tác phạm thượng.

Theo các lão nghệ nhân tuồng cung đình Huế, loại hình diễn xướng này mang tính cổ điển, tính bác học cao, có một khoảng cách về chất lượng khá xa so với tuồng dân gian. Vua Tự Đức của triều Nguyễn say mê tuồng đến độ phải đặt ra Ban hiệu thư để một mặt biên soạn các vở tuồng mới, một mặt chỉnh lý các vở tuồng tập hợp từ dân gian và các phong trào, các xu hướng tuồng trong cả nước. Nói về tuồng cung đình, phải nhắc đến một ông quan triều Nguyễn là Đào Tấn cũng chính là nhà soạn tuồng xuất sắc với hàng chục kịch bản hay mà các thế hệ sân khấu tuồng đang thừa hưởng.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của thời cuộc, kho tàng quý giá và đồ sộ của tuồng cung đình Huế bị thất bản khá nhiều. Đến nay, việc khai thác, phục hồi những pho tuồng hay, những vở diễn đặc sắc của các soạn giả, các nghệ sĩ nổi danh khác của tuồng cung đình Huế như: Ngô Quý Đồng, Vũ Đình Phương, Hoàng Tăng Bí, Bùi Hữu Nghĩa... chưa được bao nhiêu. Việc phục hồi tuồng cung đình Huế vẫn là một công việc gian nan, phức tạp. Ngay vị trí của Nhà hát Duyệt Thị Đường, cho đến nay vẫn chưa được xác định, vẫn còn những dấu hỏi treo lơ lửng. Ngay cả hai bộ tuồng đồ sộ Vạn bửu trình tường, Quần trân hiến thụy dài hàng trăm hồi do Vua Tự Đức chỉ đạo sáng tác và Đào Tấn là người chấp bút chính hiện cũng đang có nguy cơ thất lạc. Điều này cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm chưa thật kỹ, chưa thật sâu, bởi chúng ta còn thiếu đầu tư, thiếu nhiều chuyên gia tuồng thực thụ.

Hiện tại, việc nghiên cứu, phát hiện, phân tích, giải mã kho tàng tuồng cung đình Huế rất khó khăn, phức tạp. Gần đây nhất, Viện Hán Nôm đang lưu giữ hàng trăm kịch bản tuồng cung đình Huế được nhận lại từ Thư viện Hoàng gia Anh, nhưng vẫn chưa được tiếp cận, nghiên cứu đầy đủ. Thậm chí, cho đến nay, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu còn nhầm lẫn tuồng cung đình Huế xưa và tuồng sáng tác mới gần đây...

Làm gì để bảo tồn và phát huy?

Để bảo tồn, phát huy và phục dựng phần nào tuồng cung đình Huế, nhiều ý kiến cho rằng cần dựa vào những nhà nghiên cứu, những người am hiểu về tuồng và các nghệ sĩ biểu diễn tuồng trong cả nước. Bên cạnh đó, phải đào tạo diễn viên trẻ theo đúng phong cách và nghệ thuật tuồng cung đình Huế, tức là phải đạt tới tiêu chuẩn nghệ thuật cao, mẫu mực, mang tính cổ điển và tính bác học, như nó đã có từ thế kỷ trước.

Một điều quan trọng là phải xây dựng được “thị trường người xem”, am hiểu, yêu thích và say mê tuồng, bắt đầu từ học sinh phổ thông, trong đó có việc đưa tuồng vào học đường. Cần quan tâm giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật dân tộc cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Chẳng hạn như dự án sân khấu học đường của Chính phủ giao cho Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện hơn 10 năm qua. Nghệ thuật tuồng chỉ tồn tại khi có khán giả, mà đông đảo nhất là giới trẻ, thanh niên, thiếu niên. Trên cơ sở nhà hát truyền thống nên xây dựng thành Nhà hát tuồng cung đình Huế đúng nghĩa; đầu tư nghiên cứu, phục hồi và phát huy những giá trị nghệ thuật tuồng cung đình đích thực, làm mẫu mực, kinh điển cho phong trào tuồng trong toàn quốc, đồng thời phục vụ nhân dân, khách du lịch cũng như công chúng nước ngoài. Tuồng cung đình Huế muốn được tiếp thêm sức sống thì phải thường xuyên xuất hiện, đến với công chúng cả nước, nhất là tại các nhà hát của các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định. Làm được như vậy, tin rằng tuồng cung đình Huế sẽ trở nên rõ nét, phổ cập hơn đối với công chúng.

Nghệ sĩ tuồng cung đình Huế La Cháu mới qua đời gần đây. Ông cũng đã kịp truyền lại nghề (dù chưa đầy đủ) cho thế hệ con cháu như La Cẩm Vân, La Hùng Bạch Hạc, Trương Tuấn Hải, Thành Long... Nhà hát truyền thống cung đình Huế hiện tại là đơn vị nghệ thuật mang tính tổng hợp. Bộ phận diễn viên tuồng đã cố gắng học tập vốn nghề truyền thống, thể hiện trong các vai diễn sân khấu tuồng, song việc phục hồi tuồng cung đình Huế vẫn rất chậm chạp. Chọn lọc từ những “mảnh vỡ di sản” là một lộ trình đầy gian khổ của một tập thể nghệ sĩ tuồng nhiều thế hệ. Điều đáng mừng và cần phải động viên là những nghệ sĩ tuồng cung đình Huế hiện rất yêu nghề, cần cù, khiêm tốn và tự tin trong các cuộc đua tài ở các hội diễn tuồng toàn quốc, cho nên đã tạo được cảm tình trong đông đảo khán giả, ngay cả trên đất tuồng Bình Định hoặc ở miền đất Quảng Nam nổi tiếng về tuồng. Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế cũng đã đạt được nhiều Huy chương vàng, bạc cho tập thể và cá nhân. Nhiều nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Tuy vậy, vẫn còn những băn khoăn đối với sự phát triển và gìn giữ tuồng cung đình Huế. Liệu có không tính chuyên sâu của các diễn viên tuồng ở đây, bởi người diễn tuồng lại kiêm cả hát dân ca Huế mà hai lối hát, hai thể loại âm nhạc và diễn xướng này lại hoàn toàn khác nhau? Sự ảnh hưởng từ ca Huế, sang hát tuồng được thể hiện rất rõ trong một số vai diễn làm cho tính mực thước, tính cách điệu rất cao của tuồng bị chi phối trong cảm nhận của người xem. Ưu điểm của đoàn tuồng cung đình Huế thuộc nhà hát là đã phục dựng được một số vở tuồng truyền thống như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu... hoặc tuồng hài Trương Ngáo, Nghêu Sò Ốc Hến, đồng thời dàn dựng được một số vở đề tài lịch sử, tuồng lịch sử gần với truyền thống, cho nên không làm mất đi những giá trị của nghệ thuật truyền thống. Đây là hướng đi đúng, vì chỉ có diễn vở truyền thống và lịch sử thì mới phát huy được một phần vốn nghề trong ca hát, trong sử dụng trình thức, vũ đạo và động tác cũng như phục trang, hóa trang và đạo cụ.

Một ưu điểm nữa của Nhà hát nghệ thuật tuồng Cung đình Huế hiện nay là không dàn dựng đề tài hiện đại, không chạy theo thị hiếu tầm thường, không biến tuồng thành kịch, "gieo vừng ra ngô". Tuy vậy, tuồng cung đình Huế hiện nay cũng không tránh khỏi tác động của cơ chế thị trường, cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng khán giả, cho nên khó khăn vẫn còn nhiều đối với người làm nghề tuồng trên đất Huế.

Người xem ngày nay thờ ơ với tuồng cung đình Huế, phần nào cũng bởi kịch bản tuồng ở những vở diễn mới thường là tẻ nhạt, đạo diễn tuồng không có tay nghề cao và người diễn tuồng hát chưa thật hay, diễn chưa sâu, chưa thật điêu luyện như những nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh ngày xưa. Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác tác động làm cho sân khấu tuồng ở Huế vắng khách, nhưng đừng vì thế mà làm biến dạng tuồng. Nghệ thuật Noh của Nhật Bản hiện nay diễn y nguyên như 800 năm trước và người xem vẫn đông dù tiết tấu nghệ thuật trên sân khấu rất chậm, động tác rất khó hiểu.

Cố đô Huế là đất văn hiến, người Huế biết giữ gìn các giá trị truyền thống và đó là lợi thế cho tuồng cung đình Huế phục hồi và phát huy vốn cổ. Nếu tuồng cung đình Huế được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Nhà nước thì trong tương lai không xa, loại hình nghệ thuật này sẽ phục hồi và Huế sẽ trở thành một trong những trung tâm tuồng truyền thống của cả nước.

GS HOÀNG CHƯƠNG

Trang thai
Các bài khác
    << < 1 2 > >>  

Đọc nhiều nhất

  • Giới trẻ vẫn còn yêu thích nghệ thuật Tuồng Huế

    Nghệ thuật cổ truyền trong đó có nghệ thuật Tuồng Huế đang dần bị mai một và đối mặt với nguy cơ bị lãng quên. Để lan tỏa những giá trị của Tuồng Huế đến với cộng đồng, một dự án nhạc kịch mang tên “Thiên Quang Hậu Mạc” vừa được các bạn trẻ trường THPT chuyên Quốc học Huế công diễn sau nhiều tháng tập luyện. Đêm diễn cho thấy những giá trị nhân văn sâu sắc cũng như niềm yêu thích nghệ thuật tuồng Huế vẫn còn trong giới trẻ.

  • Nghệ thuật Tuồng Huế

    Tuồng Huế là một nghệ thuật hát bội có ở Huế, Việt Nam.

  • Múa Cung đình
    24
    .
    2.2022

    Múa cung đình Huế có từ đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Đào Duy Từ là người đã có công chỉnh sửa các điệu múa cung đình trước và bước đầu xây dựng múa cung đình Huế cùng với những cơ sở đào tạo nhạc công, vũ công cho loại hình nghệ thuật này. Tương truyền, ông là người đã sáng tác một số điệu múa cung đình như: Song quan, Nữ tướng xuất quân và Tam quốc Tây du... Sách Những đại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt Nam đã chép: