Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế (thường được gọi là Nhã nhạc cung đình Huế) được xây dựng dựa trên sự kế thừa các thành tựu, tinh hoa nghệ thuật của dân tộc hàng ngàn năm, đặc biệt là sự kế thừa những thành tựu văn hóa nghệ thuật xuất sắc của cả thời kỳ dựng và giữ nước kéo dài từ thế kỷ X đến XV trải qua các triều đại phong kiến phát triển mạnh như: Lý, Trần, Lê... Nhã nhạc cũng là sự kết tinh văn hóa của các thời đại trong nước và các nước trong khu vực.
Dưới triều Nguyễn, nghệ thuật diễn xướng của Nhã nhạc thường được diễn ra trong các cuộc tế lễ cung đình như: Tế Giao, Tế miếu, Tế Xã tắc, Lễ Đại triều, Thường triều... Nhã nhạc cũng được dùng trong các lễ khác như: lễ Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu hay đón tiếp sứ thần.
Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.